Một chút kỹ ức xưa về vùng đất Cà Mau
Nhà Nam Bộ học Sơn Nam từng lưu ý rằng: “Chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu vì vấn đề chưa được giải đáp thoả mãn. Vì chưa thoả mãn nên còn tranh luận với nhau, tranh luận vì thiếu sót tài liệu, thiếu vài bằng cớ nào đó”. Từ đó dẫn đến hiện tượng “cưỡng tự đoạt lý”, nghĩa là kết luận hơi sớm, phiến diện hoặc thiếu thuyết phục. Ứng vào với vấn đề về lịch sử vùng đất Cà Mau, quả tình có nhiều công trình, đầu sách đề cập đến, tuy nhiên, việc nhận diện một Cà Mau thời mở đất một cách minh triết, khách quan, khoa học vẫn là câu chuyện bỏ ngõ. Vậy lịch sử vùng đất này bắt đầu từ đâu? Chúng tôi cũng chỉ là đọc lại tư liệu của người đi trước, gợi lên đôi nét phác họa về Cà Mau với những dấu xưa lưu luyến…
Phải từ thế kỷ XIX, vào năm 1836, dưới thời Minh Mạng triều Nguyễn, hành chính nước ta mới thống nhất từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Cà Mau lúc này thuộc huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Trong địa bạ của triều Nguyễn, một địa danh của Cà Mau được nhắc đến đó là Ðảo Vu (tức đảo Hòn Khoai) với nguồn nước ngọt quanh năm. Biển Cà Mau được mô tả với nhiều sản vật như hải sâm, đồi mồi, hàu, tôm, cá cơm, ốc tai voi… Ngoài ra, Cà Mau còn được triều đình đặt nhiều bảo luỹ, cửa tấn như Thủ sở Bình Giang (có ý kiến cho rằng là ở ngay TP Cà Mau ngày nay) và hàng loạt cửa biển trọng yếu có đặt lính trú phòng như Bồ Ðề, Tam Giang, Hiệp Phố (Bảy Háp), Hoàng Giang (cửa Ông Ðốc). Ðiều đáng nói, cả tỉnh Hà Tiên có 3 chợ lớn, trong đó Cà Mau có chợ Hoàng Giang.
Theo sử liệu, Cà Mau là nơi nhiều rừng trầm thuỷ, đặc biệt là tràm, đước, sú, vẹt. Dân có nghề ăn ong, làng nghề gọi là “thuộc hoàng lạp”. Thuế nộp về triều đình là sáp ong vàng. Còn một nguồn lợi khác mà người Cà Mau nay ít còn hồi ức, đó là “điểu đình”. “Ðại Nam nhất thống chí” ghi: “Những chim ở ngoài biển đến đậu từng bầy không biết muôn ngàn nào mà kể”. Thường đến kỳ thì dân lấy lông cánh mà bán cho thương lái (chủ yếu là người Hoa). Một số vườn chim nổi tiếng được nhắc đến là Chắc Băng, Ðầm Dơi, Cổ Cò, Cái Nước. Ngoài ra, các sản vật vùng Cà Mau thường gắn liền với địa danh như than Năm Căn, chiếu Tân Duyệt, mật ong U Minh, ba khía Rạch Gốc, cá thác lác Cái Tàu… Rất tiếc, Cà Mau giờ chỉ còn lưu giữ lại một vài cái tên từng vang danh thuở trước như ba khía Rạch Gốc, mật ong U Minh. Nhiều sản vật đã đi vào quá vãng.
“Ðại Nam nhất thống chí” ghi lại một số đặc trưng về sinh hoạt, tính cách và văn hoá người Cà Mau xưa: “Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá. Ở gần rừng thì bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng năng việc công. Kẻ bình dân thì an thường, thủ phận, không gian tham trộm cướp… Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo… Tang chế, lễ nghi theo Nho và cũng theo Phật”.
Một điều khó khăn, đó là việc xác định việc những cư dân Cà Mau bắt đầu quần cư, thành làng, lập xóm ở vùng đất nê địa có tự bao giờ? Câu hỏi này được một thông tin lý thú phần nào giải đáp, đó là việc Bảo tàng Cà Mau phát hiện ra di vật xưa, đó là Sắc thần đình Viên An. Theo thông tin điền dã, ghi lại lời ông Nguyễn Văn Quế thì đây là di vật mà gia đình ông được truyền lại từ tổ tiên. Bản tạm dịch Sắc thần có đoạn: “Nay tặng là Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Ðôn Nghi Chi Thần, sắc cho huyện Long Xuyên, thôn Viên An giữ đúng điều ấy mà phụng sự cho thần”. Trên nền dấu son đề “Tự Ðức ngũ niên thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật – tức năm Tự Ðức thứ 5 (1852), tháng 11, ngày 29”.
Như vậy, ít nhất Viên An đã quần cư trước đó rất lâu và được sự thừa nhận của triều đình chính thống từ khoảng năm 1852, con số 200 năm là có thể tin cậy. Cuốn “Cà Mau xưa” của Huỳnh Minh và Nghê Văn Lương dẫn ra các bằng chứng cho thấy, cuối thế kỷ XVII, Mạc Cửu là người có công tụ hội, khẩn hoang vùng đất từ Kiên Giang đến Cà Mau. Ðến năm 1714, Mạc Cửu dâng phần đất này cho chúa Nguyễn và Mạc Thiên Tứ – con Mạc Cửu đã vâng mệnh triều đình để lập ra đạo Long Xuyên. Ðến năm thứ 7 Gia Long (1808) đổi thành huyện Long Xuyên. Thời “Gia Long bôn tẩu”, hàng loạt dấu tích còn ghi lại trên đất Cà Mau như Ao Kho (Phường 7, TP Cà Mau), Ao Ngự (Vua) (Cái Nước), Chắc Băng (Thới Bình), Cạnh Ðền (hay Ðền Công Chúa, giáp ranh giữa huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) và cả việc vua Gia Long vì nhớ ơn những người cưu mang lúc “bôn tẩu”, cho dựng đền thờ tưởng nhớ tại Viên An, đây chính là cơ sở để đến thời Tự Ðức, đình Viên An được Sắc thần.
Nhà Nam Bộ học Sơn Nam cho rằng, muốn hiểu đất và người vùng Tây Nam Bộ, không có gì khác ngoài thành tựu khẩn hoang thành công ÐBSCL, trong đó có vùng đất Cà Mau. Ông mô tả, quá trình khẩn hoang của lưu dân từ việc “phát dọn, cày bừa, lập vườn, bảo vệ và tô điểm thiên nhiên”. Tức là con người biết “tri hành” vừa tiếp thu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để thích ứng, thích nghi, từ đó sống hài hoà với tự nhiên, chớ không đặt mình ở vị trí người chủ chinh phục và khai thác. Và ông Sơn Nam cũng chỉ ra một “cái tật lớn”, khiến hậu thế khó mà hình dung được tiền nhân là “làm mà không ghi chép. Làm xong việc thì thôi”.
Nói về Cà Mau thời mở đất, thật khó để tìm điểm khởi đầu. Chỉ biết rằng đó là vùng đất mới, cộng đồng cư dân là tập hợp của nhiều gốc gác miền Trung, miền Bắc và một số nước khác. Người Cà Mau vẫn hoài nhớ về cội nguồn. Nỗi nhớ thương tạo nên sức mạnh cho họ tiến vào công cuộc khẩn hoang, mở đất. Chẳng phải vì thế mà bao lớp tiền nhân cảm thán: “Từ thuở mang gươm đi mở đất/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Nói về Cà Mau là vùng đất của sông, biển, với sản vật thiên nhiên độc đáo, trù phú. Nói về Cà Mau là nói về vị thế của một mũi đất mà tạo hoá và lòng người đều đời đời hướng biển. Con người Cà Mau là tổng hoà của chủ thể người Việt trên nền một vùng đất mới, giao lưu, tiếp biến với những nền văn hoá khác.
Qua bao dâu bể, Cà Mau – xứ sở “nước đen” vẫn giữ được hồn cốt, dáng vóc từ thời mở cõi dù đổi thay là điều khó tránh khỏi. Dấu xưa, người xưa trên đất này, còn bao nhiêu lưu luyến. Người hôm nay “ôn cố, tri tân”, để dù đi đâu, khi nhắc về nguồn cội thiêng liêng Cà Mau, ai cũng biết bồi hồi thương nhớ.