Đóng

23 Tháng Tám, 2023

Khám phá đảo ngọc giữa biển trời Cà Mau – Hòn Khoai

Sừng sững giữa biển khơi, Hòn Khoai như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Hòn Khoai, một tên gọi nghe đơn sơ dân dã với những chứng tích lịch sử, những cảnh sắc thiên nhiên kì thú của biển trời, núi đồi, rừng cây và vẻ đẹp thơ mộng của các hòn đảo mà thiên nhiên hào phóng ban tặng đã làm say mê lòng người.

Hòn Khoai có diện tích khoảng 4km2, nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau, cách đất liền (nơi gần nhất) 14,6 Km, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đỉnh hòn cao 318 m so với mực nước biển.

Hòn Khoai còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Đảo Giáng Tiên, hòn Độc Lập. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đặt tên hòn là đảo Poulop. Riêng người dân địa phương thì gọi là đảo hòn Khoai vì hình dạng của nó nhìn giống như một của khoai lang khổng lồ. Có nhiều tài liệu kể lại rằng, cách đây đã lâu, nhiều người từ đất liền ra đây làm rẫy và trồng cây ăn trái. Đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn những bụi khoai mì, khoai mỡ…có lẽ vì vậy mà nhiều người gọi nó là đảo hòn khoai.

Xung quanh hòn còn có các hòn nhỏ khác như: hòn Lớn, hòn Nhỏ, hòn Tượng, hòn Sao, hòn Đồi Mồi. Hòn Khoai có 2 bãi cát gồm Bãi Lớn ở phía Đông Nam, bãi Nhỏ ở phía Bắc. Đường đi lại trên đảo có một con đường chính từ bãi Lớn đến đỉnh hòn, dài khoảng 3Km đã được trải nhựa đường từ thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng. Đường đi quanh đảo có nhiều vực dốc, với những viên đá nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau chạy dài khắp bãi.

Trên đảo có nhiều con suối. Trong đó, có 2 con suối lớn nước ngọt chảy quanh năm, là nguồn cung cấp nước chính cho đảo, cho tàu đánh cá khu vực và cư dân vùng Tân Ân, Rạch Gốc.

Đảo Hòn Khoai nổi tiếng với khu rừng nguyên sinh, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Trong đó, hệ thực vật rất phong phú, với hơn 1400 loài và có nhiều loại cây có giá trị kinh tế rất cao. Cây ăn trái gồm xoài, dừa…Cây lấy gỗ gồm lim, bằng lăng, chiêu liêu, dầu rái, muỗng, quế quan, rè vàng, thị rừng, trám mạo, trâm trắng…Cây làm thuốc có cốt toái bổ lá lớn, cốt toái bổ lá nhỏ, dây tiết dê, huyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan, sầu đâu, thần thông, thiên kim đằng, thiên niên kiện…

Rừng Hòn Khoai góp phần bảo vệ và cân bằng sinh thái. Dưới tán rừng là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loại động vật hoang dã như heo rừng, kỳ đà, trăn, rắn…Tại những khu rừng già, du khách còn có thể bắt gặp những chú sóc đen chuyên trên cành cây hay những đàn khỉ nghịch ngợm nô đùa cùng du khách. Trên đảo có rất nhiều hoa vong đỏ, bằng lăng tím. Đặc biệt khi mùa xuân về, hoa mai nở vàng trên các cánh rừng trên đảo.

Hòn Khoai có bờ biển sạch, kín gió là nơi neo đậu, trú bão cho nhiều phương tiện khai thác thuỷ sản trên biển và là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Từ những loài sinh vật phù du nhỏ bé cho đến những loài hải sản có giá trị kinh tế cao như mực, tôm hùm, tôm tích, cá mú, cá bóp…Biển Hòn Khoai với những bãi cát rộng, khi nước thuỷ triều rút xuống biển lặng, sóng yên, du khách có thể đi bộ trên Bãi Lớn, Bãi Nhỏ để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở không khí trong lành của rừng và biển nơi đây.

Sau những lần xuyên rừng đi du lịch sinh thái, khi lên đến đỉnh hòn ( cao 318m so với mực nước biển) du khách có thể dừng chân viếng ngọn hải đăng do thực dân pháp xây dựng năm 1920. Ngọn hải đăng có hình khối vuông, mỗi cạnh dài 4m, cao 12,5m, được xây dựng bằng đá hộc và xi măng, công suất quét sáng bán kính 35 Km. Ngọn hải đăng Hòn Khoai là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Dù đã tồn tại hơn 100 năm nhưng kiến trúc của công trình vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là một trong những ngọn hải đăng nằm theo hệ thống đèn biển Cần Giờ – Côn Đảo – Hòn Khoai – Phú Quốc để chiếu sáng và định hướng cho tàu biển đi lại trên biển Đông.

Tại ngọn hải đăng này, ngày 13-12-1940, người thấy giáo, chiến sỹ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc. Ngày khởi nghĩa Hòn Khoai 13 -12, được chọn làm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau anh hùng. Ngày 27-4-1990, Hòn Khoai được Bộ văn hoá thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, tỉnh Cà Mau coi trọng việc khai thác những tiềm năng lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng. Chú trọng bảo tồn cảnh quan với những nét hoang sơ vốn có, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái biển đảo. Trong tương lai không xa, khi khu du lịch Khai Long hoàn thành việc đưa vào sử dụng khu vực cầu cảng biển, các chuyến du lịch ra đảo sẽ được phát huy đến mức tối đa. Hòn Khoai sẽ gần hơn với du khách mọi miền đất nước và trở thành “hòn đảo ngọc” trên vùng biển Tây Nam của Tổ Quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *